Lại nhớ năm nào bố cũng cố gói cho mấy chị em mỗi đứa một cái bánh chưng nhỏ, vừa lấy trong nồi ra còn nóng hôi hổi, rửa qua loa nước lạnh là mấy chị em được bóc bánh ăn. Ôi sao cái cảm giác cắn từng miếng bánh mềm, dẻo, thơm hương gạo nếp, ngậy ngậy béo béo của miếng thịt lợn đã dừ tươm, lại quện với vị đỗ xanh vừa bùi vừa thơm mùi hạt tiêu sọ lại khó quên đến thế !!!! Thời đó, nhà ai mà gói được nhiều bánh nghĩa là ăn tết to lắm. Đi đâu ai cũng hỏi nhau «năm nay nhà bác có gói được nhiều bánh không ?». Bố thường nhận luộc bánh thuê để có thêm tiền sắm tết. Nhà mình nổi lửa từ hôm 25 tháng chạp, hai thằng em trai thay nhau trông nồi bánh chưng cùng bố. Thức đêm mệt lắm nhưng cứ khi nào thấy có nhiều khách đặt hàng là sướng không tả nổi. Mà nhà mình cũng có tiếng là luộc bánh ngon nhất nhì khu. Bố có bí quyết cả đấy…
Hồi đó còn là thời kỳ bao cấp, người ta phải lo cho cái tết từ trước đó hàng tháng. Nào là tích phiếu mua hàng, nào là phải xếp hàng từ tờ mờ sáng, rồi lại phải tranh thủ vào kho bốc vác gạo để lấy lòng mấy cô mậu dịch viên, như vậy may ra mới mua được mấy cân gạo nếp để làm bánh trưng và mấy cân bột mỳ về làm bánh qui gai đón khách. Tết thời kỳ đó có lẽ chỉ có lũ trẻ con là háo hức, chứ người lớn thì cứ long sòng sọc, tất tả ngược xuôi với bao nỗi lo giờ nghe quá đỗi đơn giản, nhưng hồi đó là cả một vấn đề. Mẹ thường phải tính nuôi đôi lợn sao cho có thể bán đúng dịp Tết để mua cho được con gà trống thiến cúng ông bà lúc giao thừa, rồi lại phải lo «ngoại giao» với mấy bà bán hàng để họ còn dành cho cân măng khô, bó miến, hộp mứt...
Bữa cơm tất niên là bữa ăn được trông chờ nhất, thường thì buổi trưa chỉ ăn qua loa, còn để bụng đến tối được ăn bao nhiêu là món ngon. Mình khoái nhất món miến lòng gà, phải nhiều nước, vắt thêm tý chanh, điểm thêm tý ớt, xì xụp khi bát miến còn nóng, sợi miến còn hơi dai dai, ôi chao sao đời đẹp thế….hehehe.
Ở cái tuổi nhỡ nhỡ nhàng nhàng chưa hết trẻ con mà cũng chưa phải người lớn, mấy chị em nào đã cảm nhận hết được những lo toan của bố mẹ, chỉ thấy sung sướng, hồi hộp chờ tết đến với nỗi quan tâm lớn nhất là pháo. Đã có năm hai thằng em theo chân hội bạn vào tận Bình Đà mua thuốc pháo về quấn được 1 băng dài từ trên trần nhà xuống chấm đất. Đêm giao thừa, băng pháo nổ đùng đoàng một mạch, không bị xịt quả nào. Cả nhà vỗ tay reo hò ầm ỹ trong màn khói đặc quánh thơm hương pháo. Mẹ bảo đó là điềm may mắn đầu năm. Mùng một Tết, lũ trẻ con bọn mình hãnh diện trong bộ quần áo mới, chạy ra ngoài ngõ chơi đốt pháo. Mình thì chỉ dám đốt mấy quả pháo tép, nhưng cũng thích thể hiện; một tay cầm pháo, một tay cầm hương châm lửa, khi thấy ngòi pháo xì xì tóe lửa là nhanh tay vất ra thật xa. Thế mà cũng có lúc nó nổ đánh đoàng một cái trên tay làm cho đầu ngón tay xám xịt, khét lẹt. Đây là bí mật bây giờ mới dám nói, chứ hồi đó mẹ mà biết thì thể nào cũng bị cấm chơi pháo luôn….hixhixhix
Rồi thời gian vùn vụt trôi qua, quay đi quay lại đã thấy mình có gia đình, có một nhóc gọi mình bằng một tiếng thân thương : «mẹ». Tết không còn sự háo hức, mong đợi như hồi xưa nữa và cũng không còn phải lo toan chuẩn bị từ sớm. Cứ alô cho mẹ rồi gửi cụ một danh sách dài là xong. Cái gì cũng có thể «đặt mua», «đặt làm», chỉ cần tìm chỗ uy tín là yên tâm về chất lượng. Mà điều này thì mình tin tưởng hoàn toàn vào mẹ, vì mẹ có «mạng lưới cung cấp» từ nhiều năm rồi mà. Tết không còn là chuyện lớn nữa. Mình cũng may mắn không phải lo chuyện "biếu quà sếp", nên tết lại càng nhẹ tâng.
Nhưng mình lại có một sở thích hơi lạ là phải tìm mua bằng được một con gà quê, đúng nghĩa là gà thả vườn và ăn thóc vì mình mê mẩn món gà quê luộc chấm muối ớt chanh. Vị ngọt đậm đà của thịt gà quê khó mà tìm được ngay kể cả loại gà ngon bán trong siêu thị. Chính vì thế mà cứ gần đến Tết là mình lại rủ mẹ về quê bằng xe máy. Mợ ở quê biết sở thích của cháu nên bao giờ cũng tìm mua trước cho hai mẹ con vài con gà ngon có «nguồn gốc xuất xứ » nhà ông A, bà B hẳn hoi, rồi lại còn cố nhét thêm con gà nhà, vài ba nải chuối xanh vào túi cho hai mẹ con trước khi lên đường, gọi là để «thắp hương các cụ»… Và thế là hành trình trở về Hà nội với lỉnh kỉnh túi trước, túi sau, túi to, túi nhỏ trông như xe thồ, nhưng hai mẹ con thì lâng lâng vui sướng và xúc động vì tình cảm quê hương.
À mà quên, mình còn có một thú vui nữa là…. đếm tiền lì xì của con gái. Được cái con gái tin tưởng mẹ, nên cứ có bao lì xì nào là lại mang về gửi mẹ. Thỉnh thoảng nó ngạc nhiên khi thấy mẹ reo lên «không bị lỗ vốn rồi con ạ !», nhưng chẳng hiểu mẹ nó nói gì…
Chẳng hiểu có phải vì đang tấp tểnh bước vào cái tuổi «chín chắn» hay không mà quan niệm về Tết của mình cũng có phần thay đổi. Tết đối với mình bây giờ mang đậm tính tâm linh. Bàn thở tổ tiên là nơi được mình chăm sóc kỹ lưỡng nhất, Tết nào cũng phải đầy đủ bộ lệ: nào mâm ngũ quả, nào bánh trưng xanh, nào chai rượu đế, nào vàng mã, nào cây lộc, và đặc biệt là cành đào thắm phải có cả hoa cả nụ…. Mình rất thích đi chùa đầu năm với mẹ và năm nào cũng cố đi đủ hết các chùa lớn ở Hà Nội. Cảm giác thật thư thái, an tâm và thanh thản mỗi lần bước chân ra khỏi cổng chùa. Mặc dù chẳng hiểu lắm về triết lý nhà phật, nhưng cứ nghe thấy tiếng chuông chùa thỉnh lên, tiếng đọc kinh của các cụ và nhìn dòng người tấp nập đi lễ chùa trong ngày xuân mới lại thấy lòng trào dâng một niềm tin tốt đẹp vào tương lai, vào một năm mới đầy may mắn và hạnh phúc…..
Thế là đã ba cái tết xa quê hương, những kỷ niệm vể Tết cứ ào ạt tràn về. Ở nơi đây cả nhà cũng được ngắm pháo hoa ở Hồ Gươm nhưng qua VTV4, cũng được đón giao thừa với bánh chưng, xôi gấc lại thêm cả rượu sâm panh và gan ngỗng, nhưng vào lúc 6h chiều, cũng vội vã, khấp khởi gọi điện về chúc tết bố mẹ và gia đình, nhưng thường xuyên phải nhẫn nại chờ đợi vì nghẽn mạng, cũng đi chùa cầu may nhưng lại không cảm nhận được sự linh thiêng cổ kính của chùa nơi đất khách. Có đi xa mới thực sự nhận ra giá trị của ngày Tết cổ truyền, mới thấy nao nao mỗi khi Tết về và rồi lại tìm lại được niềm háo hức thuở nào mong chờ một ngày sẽ được đón Tết như xưa. Ngày đó sẽ không còn xa nữa……Chắc chắn là như vậy……..
Nhân dịp năm mới, con gái và con «rể cụ» xin chúc bố mẹ luôn luôn mạnh khỏe, vui vẻ an hưởng tuổi già cùng con cháu và sẽ không còn nỗi lo lắng nào nữa làm bạc thêm mái đầu của bố mẹ…
Chị chúc các em trai, em dâu và các cháu càng ngày càng hạnh phúc, gắn bó yêu thương nhau và càng ngày càng thành đạt ….
Cháu Bỗng gửi lời chúc này đến cả nhà :«Hoa đào nở, chim én về, mùa Xuân lại đến. Cháu Bỗng chúc ông bà, cô chú và các em nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc… » (đấy là cháu Bỗng copy trên mạng)
Tết
đã qua, nhưng hôm nay em mới đọc được bài viết này của chị. Gợi nhắc
cho em nhiều kỉ niệm với Tết quê hương, với gia đình, với thời thơ ấu...
Hơi muộn chút, nhưng em vẫn muốn chúc gia đình chị luôn mạnh khỏe và
hạnh phúc ạ.
Cảm ơn em rất nhiều… Chị cũng chúc em và gia đình nhỏ của mình luôn tràn đầy tiếng cười, niềm vui và hạnh phúc.